CÔNG TÁC CHUẨN BỊ KHI BỊ CƠ QUAN THUẾ THANH TRA – KIỂM TRA VỀ THUẾ

Cẩm nang về Quản lý Thuế – Kế toán

CÔNG TÁC CHUẨN BỊ KHI BỊ CƠ QUAN THUẾ THANH TRA – KIỂM TRA VỀ THUẾ, SỐ SÁCH KẾ TOÁN 

Công tác chuẩn bị và rà soát lại báo cáo, tờ khai, sổ sách của DN trước khi cơ quan thuế có quyết định thanh – kiểm tra là công việc rất cần thiết. Từ đó, DN có những bước khắc phục thiếu sót (nếu có). Sau đây là những lưu ý về cách thức kiểm tra, sắp xếp hồ sơ cụ thể như sau:

————————

1/ Về báo cáo thuế, Tờ khai 

–       Kiểm tra lại xem các báo cáo thuế đã đầy đủ, có bị thiếu sót gì không. Nếu thiếu phải làm báo cáo điều chỉnh, bổ sung. Khi Thuế đã ra quyết định & công bố thanh tra.

–       Khi có quyết định và công bố thanh tra thì không được điều chỉnh và bổ sung gì nữa.

1.1   Với thuế GTGT:

–       Cần sắp xếp chứng từ gốc hàng tháng theo tuần tự của bảng kê thuế đầu vào đầu ra đã in và nộp báo cáo cho cơ quan thuế hàng tháng: Bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 12 của năm tài chính , các chứng từ gốc: hóa đơn đầu vào đầu ra được kẹp chung với tờ khai thuế GTGT hàng tháng đã nộp cho cơ quan thuế

–       Đối chiếu sổ 1331 của năm đó với số liệu trên tờ khai thuế. Nếu có chênh lệch ở đâu thì kiểm tra và lập file word giải trình sẵn.

–       Kiểm tra các hóa đơn trên 20 triệu đã có đầy đủ điều kiện để đc khấu trừ thuế GTGT: Lưu chung UNC chuyển khoản, Biên Bản đối chiếu, bù trừ công nợ (nếu có), Hợp Đồng Kinh Tế/Mua Bán- quy định rõ điều khoản trả chậm.(Làm file mềm excel kiểm tra, sau này thuế sẽ yêu cầu cung cấp)

1.2   Với tờ khai Quyết Toán Thuế TNDN: 

–       Kiểm tra Doanh Thu trên tờ khai quyết toán năm có khớp với tổng doanh thu trên tờ khai thuế hàng tháng/quý.

–       Chênh lệch giữa Lợi nhuận kế toán với lợi nhuận thuế phát sinh từ đâu. Lập file excel giải trình nội dung này.

–       Rà soát những khoản chi phí có khả năng rủi ro bị loại, chuẩn bị hợp đồng kinh tế của những loại chi phí có giá trị lớn.

1.3   Với tờ khai Quyết toán Thuế TNCN:

–       Kiểm tra số liệu trên bảng lương (phát sinh có tài khoản 334) đã khớp với số liệu trên Tờ khai Quyết toán Thuế TNCN chưa (số liệu Thu Nhập Chịu Thuế trên tờ khai).

–       Kiểm tra hợp đồng lao động đã đầy đủ chưa, có đủ chữ ký của người lao động và người sử dụng lao động chưa. Lưu ý: Hợp đồng lao động phải đóng dấu giáp lai thì mới hợp lệ.

–       Rà soát lại các khoản thu nhập và phụ cấp trên bảng lương đã quy định cụ thể trong HDLD. Nếu trong HDLD chưa đầy đủ, phải làm phụ lục HDLD đưa hết vào trong phụ lục các khoản thưởng & phụ cấp rõ ràng. Cụ thể: phụ cấp A bao nhiêu đ/tháng, phụ cấp B bao nhiêu đồng/tháng…phải cụ thể số tiền và cụ thể khoản phụ cấp, trợ cấp. Hoặc các khoản phụ cấp phải được quy định trong thỏa ước LD, QĐ của HDQT, HĐTV

Ngoài ra các khoản thưởng tháng 13 hoặc thưởng cuối năm cho nhân viên, phải quy định rõ điều kiện được hưởng và mức hưởng là bao nhiêu.

–       Bảng lương của từng tháng đã có chữ ký của người nhận tiền chưa (đối với trường hợp DN chi trả lương bằng tiền mặt), nếu chứng từ qua Ngân hàng thì chỉ cần in đầy đủ bảng lương là đủ.

1.4   Với Thuế GTGT NK:

–        Kiểm tra hồ sơ NK, Tờ Khai Hải Quan, Lệnh Chuyển Tiền và Chứng từ nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế nhập khẩu (nếu có).

2/ Về sổ sách kế toán:

–       Lấy bảng cân đối phát sinh tài khoản từng năm căn cứ vào đó kiểm tra sổ sách xem đã in đầy đủ sổ sách. Tuy nhiên sổ sách này phải đầy đủ chữ ký và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị, kế toán – là người lập biểu, và kế toán trưởng (nếu có)

–       Với những sổ có chi tiết đối tượng thì phải in chi tiết, ngoài in sổ cái.

–       Sổ chi tiết TK 112 : Nếu có nhiều TK ngân hàng mở nhiều NH khác nhau.

–       Sổ chi tiết TK 131 / 331 : Chi tiết từng đối tượng phải thu / phải trả

–       Sổ chi tiết 138 / 338 : Chi tiết từng đối tượng phải thu / phải trả khác (nếu có)

….

2.1. Rà soát lại các định khoản kế toán xem đã định khoản đối ứng Nợ – Có đúng chưa, kiểm tra xem số tiền kết chuyển vào cuối mỗi tháng đã đúng chưa à Tổng phát sinh ở Nhật Ký chung = Tổng phát sinh Ở Bảng Cân đối Tài Khoản

2.2. Kiểm tra sổ 112 với số phụ ngân hàng, số dư cuối năm khớp với số dư cuối năm trên sổ phụ NH.

2.3 Kiểm tra sổ quỹ Tiền Mặt, tránh hiện tượng âm quỹ, phải có số dư cuối ngày trên sổ quỹ. Nhiều DN cuối tháng dương quỹ nhưng trong tháng vẫn có ngày âm quỹ à cần điều chỉnh lại hoặc làm giấy vay, mượn tiền bổ sung vốn lưu động của DN (Cách khắc phục tránh âm quỹ-Thuế.)

2.4. Làm file mềm tự giải trình chênh lệch giữa doanh thu – giá vốn, của từng hóa đơn xuất ra. Cái nào lỗ thì giải trình, chuẩn bị các giấy tờ để có thể giải trình vì sao lỗ.

Thêm vào đó, cần chi tiết tỷ lệ giá vốn/doanh thu từng tháng, xem tỷ lệ giữa các tháng/năm có chênh lệch đột biến không? Nếu có cần có sự chuẩn bị để giải trình.

2.5. Đối chiếu sổ chi tiết 333 với chứng từ nộp thuế mà doanh nghiệp đang lưu giữ. Tự làm file excel tổng hợp các khoản thuế đã nộp theo chứng từ.

2.6. Tài khoản 142,242,214: số tiền phân bổ tháng trên bảng phân bổ công cụ dụng cụ có khớp với số phân bổ trên số cái tài khoản 142,242,214.

2.7. Kiểm tra nhập xuất tồn kho, in chi tiết NXT từng tháng.

Kiểm kê hàng hóa trong kho thực tế so với số lượng sổ sách. Nếu có sự chênh lệch lớn giữa 2 số liệu này, DN cần kiểm tra và rà soát, để tránh trường hợp cơ quan thuế kiểm tra kho khi thanh/kiểm tra.

2.8. Kiểm tra sổ chi tiết giá thành (nếu có) & phải có bản lưu định mức đã đăng ký với CQ Thuế (từ trước năm 2014), nếu không nộp bảng định mức tiêu hao NVL, CQ Thuế ấn định theo mức tiêu hao của nhà nước quy định. Kể từ 01/01/2014, định mức không cần phải đăng ký với cơ quan thuế, nhưng bộ định mức này phải được lưu trữ tại DN, và cung cấp cho Cơ quan thuế khi có yêu cầu.

2.9. Nếu có phát sinh các khoản vay ngân hàng/ vay cá nhân thì kiểm tra sắp xếp đầy đủ khế ước nhận nợ từng lần theo phát sinh, kiểm tra các khoản lãi vay. Lập file excel tổng hợp chi phí lãi vay phát sinh từng tháng ( lấy từ sổ 635, trừ TH chi phí lãi vay đủ điều kiện vốn hóa thì ko nằm trên 635…)

Trường hợp dư tài khoàn tiền mặt lớn, mà phát sinh khoản vay, tương ứng với chi phí lãi vay thì phải được giải trình tại sao phát sinh khoản vay này. Cần có văn bản, hoặc hợp đồng kinh tế được ký trong giai đoạn này để có thể chứng minh mục đích của khoản vay này.

2.10. Kiểm tra chi phí khấu hao tài sản trên sổ sách có khớp với sổ chi tiết

Hồ sơ tài sản phải được lưu trữ đầy đủ và vĩnh viễn, nếu khi kiểm tra cơ quan thuế yêu cầu nhưng DN không cung cấp được, thì chi phí khấu hao của DN liên quan đến tài sản đó sẽ bị loại.

2.11. Kiểm tra hóa đơn xem hợp pháp chưa : Hóa đơn đầu vào đã đảm bảo đúng đủ các thông tin bắt buộc phải có theo quy định TT 153/2010/TT-BTC (đối với việc kiểm tra trước ngày 01/07/2013), thông tư 64/2013 /TT-BTC (có hiệu lực từ 01/07/2013 đến 01/06/2014), và hiện tại đang áp dụng thông tư 39/2014/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/06/2014.

Có thể tra cứu xem các hóa đơn đầu vào đã được bên bán đã làm thông báo phát hành sd hóa đơn với CQ Thuế chưa, tình trạng NNT đang hoạt động hay tạm ngừng, bỏ trốn, khóa MST….vào trang http://gdt.gov.vn/ để tra cứu.