Kế toán, kiểm toán trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sao ?


Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra sẽ tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng. Những tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn.

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng, các chuẩn mực, mô hình kế toán, công tác kế toán nói chung và đặc điểm công tác kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh ở các nước trên thế giới nói riêng, bài viết rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm giúp các đối tượng sử dụng thông tin xác định được lợi ích kinh tế của mình, có các quyết định phù hợp với từng nhu cầu và mục đích riêng của từng đối tượng.

Bài viết đưa ra một số giải pháp đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán nói riêng và ngành nghề kế toán, kiểm toán nói chung.

Đối với cơ quan quản lý

Tập trung kiện toàn hành lang pháp lý:

Cụ thể: Đến năm 2020, ban hành chuẩn mực VAS/VFRS theo hướng cập nhật và tiệm cận chuẩn mực quốc tế.

Đến năm 2025, áp dụng IFRS theo 3 cấp độ: Các công ty có lợi ích công chúng thực hiện IFRS nguyên mẫu; các công ty khác áp dụng VAS/VFRS; DN nhỏ và vừa thực hiện chế độ kế toán dành cho DN nhỏ và vừa.

Việc áp dụng hoàn toàn IFRS sẽ giúp kế toán, kiểm toán Việt Nam mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của báo cáo tài chính.

Đầu từ, phát triển cở sở hạ tầng công nghệ thông tin:

Cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, kịp thời, đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu.

Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật, nhất là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây…

Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp:

Có các quy định để hỗ trợ DN trong các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán cũng như xây dựng các hướng dẫn về định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế:

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán lành mạnh, bền vững;

Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán

Áp dụng đúng chính sách, chế độ quy định của Nhà nước.

Đồng thời, đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu về chuyên môn và có khả năng hội nhập;

Tăng cường công tác đào tạo phát triển các kỹ năng mềm hiệu quả, hoạt động nhóm tích cực và sử dụng thành thạo công nghệ số theo nhu cầu thị trường…

kiểm toàn và kế toán trong thời đại 4.0

Cần những thay đổi trong quan điểm đào tạo:

Đào tạo không xuất phát từ những gì mình có, mà phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của thời đại công nghệ số, đó là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội.

Chương trình đào tạo:

Chú trọng chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán phù hợp với xu thế phát triển thế giới.

Vì vậy, các cơ sở đào tạo nên rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán.

Chương trình đào tạo được xây dựng phải đảm bảo yêu cầu hội nhập và giao thoa về chất lượng với chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, phù hợp với chương trình đào tạo của các hội nghề nghiệp nhằm hướng đến sự thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo về chuyên môn và bằng cấp, chứng chỉ.

Nội dung đào tạo:

Phát triển nội dung đào tạo giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số.

Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, tổ chức đào tạo cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc ở nhiều nhóm khác nhau; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.

Phương pháp đào tạo:

Chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực.

Phát triển việc dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm.

5. Thiết lập mối quan hệ

Thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các DN trong và ngoài nước. Trong thời đại CMCN 4.0, việc thiết lập các mối quan hệ với các DN ngày càng mở rộng không chỉ với các đơn vị trong nước mà cả ngoài nước, bởi điều đó giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng tốt cho yêu cầu của DN.

Đối với kế toán và kiểm toán viên

Trong cuộc CMCN 4.0, mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng nó cho phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc.

Một phương tiện không thể thiếu đối với mỗi kế toán, KTV trong hiện tại và tương lai đó là ngôn ngữ quốc tế.

Cơ hội sẽ ngày càng mở rộng cho những đội ngũ kế toán – KTV đạt chuẩn quốc tế, được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới như: ACCA, CMA, CIA…

Những chứng chỉ này có thể giúp kế toán – KTV Việt Nam mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

Nguồn : tapchitaichinh